- Back to Home »
- SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHỊ VỊ BỒ TÁT LÝ TỪ THỤC, LÝ TỪ HUY
Posted by : Unknown
Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG TỔNG NAM
PHÙ
CHÙA THANH LIÊN – TƯƠNG TRÚC
Xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội
****************************
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NHỊ VỊ
BỒ TÁT LÝ TỪ THỤC, LÝ TỪ HUY
Vào đời Lý Thánh
Tông (1054 – 1072) Hoàng Hậu sinh đôi được hai công chúa vào ngày mồng 6 tháng
2 âm lịch, chị là Lý Từ Thục, em là Lý Từ Huy. Cả hai công chúa giác ngộ cảnh
vô thường, chán cảnh lầu son gác tía, nguyện vọng một lòng xin vua cha và Hoàng
Hậu cho phép xuất gia đầu Phật.
Triều đình lúc
đó chia nước thành các lộ, chia lộ cho các công chúa đến ở và cai quản dân
chúng. Công chúa Lý Từ Thục và công chúa Lý Từ Huy thấy đất tổng Nam Phù phong
cảnh hữu tình, thế đất địa linh, voi chầu hổ phục…Nhị vị công chúa đã xin vua
cha ban cho đất Nam Phù Tổng.
Đầu tiên, nhị vị
công chúa dừng chân trên đỉnh trúc lĩnh (tức là núi trúc), thấy giữa đồng bằng
nổi lên một ngọn núi hình đầu rồng, trên đó có rất nhiều tre trúc. Phía mặt tiền
có đường Thiên Lý, có sông Tô Lịch nhiễu quanh, lại có án tiền là “Gò Đình Yến”.
Bên hữu núi trúc có nhiều gò nổi, ngọn đều chầu về phía núi trúc, trông tựa
tràng phan, bảo cái. Thấy đây là đất “địa linh”, dân chúng nhân hậu, Nhị vị
công chúa dừng chân trên đỉnh núi Trúc, lập am tu hành.
Nhị vị sư tổ thị
sát thấy dân Tổng Nam Phù vẫn còn cảnh đói nghèo, không có ruộng canh tác. Với
tấm lòng từ bi, Nhị vị sư tổ đã chia 3000 mẫu ruộng cho mười làng, xuất hết tiền
vàng nữ trang của mình để cấp vốn cho dân khai khẩn ruộng đất, trồng dâu nuôi tằm,
dậy nghề thủ công….Nhờ đó, nhân dân trong Tổng Nam Phù còn giữ lại được rất nhiều
nghề truyền thống như nghề làm bún, đậu phụ, bánh gai, bánh dày, nghề đan thúng
mủng, rổ rá…lưu truyền cho đến ngày nay.
Thời vua Lý
Thánh Tông, Vua muốn bình yên Chiêm Thành và vỗ về các quan lang Châu mục, để kết
tình giao hảo giữa nước Việt với các nước chư hầu, Vua đem phần lớn công chúa gả
cho các Châu mục. Trong số những công chúa ấy có cả Nhị vị Sư tổ cũng bị triệu
về Kinh để lấy chồng. Với tấm lòng mến mộ Phật pháp, Nhị vị sư tổ đã quyết chí
tu hành và được nhân dân Tổng Nam Phù rước về núi Trúc để ẩn mình và tu tập.
Từ đó nhà vua cảm
kích, cho xuất ngân khố xây dựng tại Đông Phù một ngôi chùa đặt tên là Hưng
Long và cũng cho xây trên đỉnh núi Trúc một ngôi chùa đặt tên là Hưng Phúc.
Trải qua mấy chục
năm chuyên tâm thiền định, thực hành bồ tát đạo, khi hạnh nguyện độ sinh viên
mãn, Nhị vị sư tổ đã dựng am thất dưới lòng đất bằng gỗ thông, am thất dựng tại
cánh đồng Liên Hoa thuộc làng Tè, nay là thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường
Tín, Hà Nội.
Để tưởng nhớ
công đức Nhị vị sư tổ, nhân dân Tổng Nam Phù tạc tượng Sư tổ mang hình dáng
công chúa và hai vị đệ tử mang hình dáng cung nữ thờ tại các chùa Hưng Phúc,
Hưng Long, Thanh Liên, Ninh Xá.
Các triều đại
vua Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn, đã sắc phong Nhị vị Sư tổ: “Đại Thánh Bao
Phong, Đại Bồ Tát hồng liên tọa hạ”. Nhị vị Ni sư: “Gia Tăng Trung Vi Dực Bảo
Trung Vương Thượng đẳng thần”.
Từ đó, nhân dân
tổng Nam Phù tưởng niệm xưng danh Nhị vị Sư tổ là Nhị vị Bồ Tát. Và cứ hàng
năm, nhân dân Tổng Nam Phù tổ chức lễ hội rất trọng thể vào các ngày 14, 15, 16
tháng 3 âm lịch. Đến dự lễ hội có hàng vạn nhân dân, tín đồ Phật tử và quý
khách thập phương.
Năm nay, được sự
chấp thuận của Ban tổ chức lễ hội hàng tổng, chư tăng chùa Thanh Liên đã kết hợp
với chính quyền, nhân dân, Phật tử thôn Tương Trúc, long trọng tổ chức lễ rước
Nhị vị sư tổ theo nghi thức thống nhất lễ hội của Tổng Nam Phù. Lễ hội đã diễn
ra trong 3 ngày với những phần Lễ và Hội rất trang nghiêm, trọng thể.
Kể từ nay về
sau, nhân dân thôn Tương Trúc chính thức tham gia lễ Hội Hàng Tổng với vị trí
và vai trò là một thành viên độc lập đối với 9 xã 10 làng trong tổng Nam Phù.
Đây cũng là việc làm thiết thực, dâng lên Nhị vị sư tổ với tinh thần tri ân báo
ân và cũng thể hiện là một thành viên có trách nhiệm trong việc duy trì, giữ
gìn bản sắc dân tộc, đặt dấu ấn lịch sử và làm tiền đề cho thế hệ hôm này và
mãi mãi về sau.|.