- Back to Home »
- Làng Tương Trúc
Posted by : Unknown
Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014
Làng Tương Trúc
Làng Tương Trúc đầu thế kỷ 19 là một xã thuộc tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ tháng Mười năm Tân Mão đời Vua Minh Mạng - 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1946, làng nhập với các làng : Đông Trạch, Tự Khoát, Việt Yên thành xã Ngũ Hiệp[1].
Tương Trúc nằm trên con đường Thiên lý cổ. Xưa kia, con đường này từ phía Nam ra, đến Bằng Vồi - Quán Gánh men theo phía Đông sông Tô Lịch, qua các làng Duyên Trường- Hạ Thái (nay là xã Duyên Thái, huyện Thường Tin, tỉnh Hà Tây), vào Đông Phù (xã Đông Mỹ), qua Tương Trúc, ra làng Tự Khoát, Lưu Phái rồi nhập với Quốc lộ I hiện này ở phía trên cầu Ngọc Hồi, lên Văn Điển - Cầu Tiên - Quán Sét (Đồng Quan), vào Hoàng Mai (Chợ Mơ) rồi vào Kinh thành Thăng Long. Vào đầu thời Gia Long 1802 - 1819 (có ý kiến cho rằng, thời Pháp thuộc, khi làm đường xe lửa Bắc Nam) mới nắn lại đường Thiên lý từ Hà Hồi (Thường Tìn) lên, tức đoạn đường Quốc lộ I A qua Ngọc Hồi lên cầu Văn Điển hiện nay. Làng lại có sông Tô Lịch chảy qua. Do vị trí giao thông thuận lợi này mà dân làng còn phát đạt về buôn bán. Tại đầu làng Tương Trúc có một chợ lớn trong vùng, có khán thị (quản chợ) trông coi. Vị thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” làm cho kinh tế của làng tương đối khá giả. Ngoài buôn bán, dân làng vẫn làm ruộng và có thêm nghề làm lược sừng[1].
Tương Trúc là làng nhỏ. Năm 1928 làng có 666 người. Trai đinh của làng trước đây sinh hoạt trong 3 giáp[1].
Trước Cách mạng Tháng Tám, làng Tương Trúc còn 53 mẫu 7 sào ruộng công để chia cấp cho các đối tượng sửa lễ và 6 mẫu đem đấu giá lấy tiền dùng vào các việc công. Ngoài ra, khúc sông Tô Lịch chảy qua làng, tiếp giáp hai làng Tự Khoát và Đông Phù, hàng năm chia cho 3 giáp khai thác nguồn tôm cá[1].
Làng Tương Trúc ở bên cạnh làng Tự Khoát, có nhiều yếu tố tương đồng về địa lý, lịch sử. Trước đây, giữa địa phận hai làng còn một khoảnh ruộng công, mỗi làng được nhận một nửa rộng 2 sào 5 miếng (mỗi miếng là 30 mét vuông) để giao cho giáp đương cai của mỗi làng cùng lo việc thờ thần (hai làng cùng làm lễ cơm mới vào tháng Tám, tế thần chung vào 29 tháng Mười). Trước đây, hai làng cùng tổ chức đội phiên tuần để bảo vệ đồng điền, mỗi làng 6 người. Làng có ngôi chùa Hưng Phúc, chung với làng Tự Khoát, thờ Nhị vị sư tổ.[1].
Ngoài ra, làng còn có chùa Thiên Phúc, phủ thờ Thủy Tinh công chúa. Hội làng diễn ra trong các ngày 8, 9, 10 tháng Hai[1].
Đặc biệt, Thôn Tương Trúc, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì từ lâu nổi tiếng có tài "mở khóa". Tất cả các loại khóa cổ kim, hiện đại cỡ nào cũng đều bị "hạ gục" khi qua tay người làng.
Nhắc đến sửa khóa, nhiều người nghĩ ngay đến thôn Tương Trúc, xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Ở đây nổi tiếng với nghề sửa mọi loại khóa từ thời Pháp thuộc, nhưng đến nay nghề đang dần mất đi, chỉ còn dăm chục người sống bằng nghề và giữ hồn nghề…
Một thời rực rỡ
Đến với Tương Trúc, không ai nghĩ nơi đó còn gọi là thôn nữa. Hàng loạt dịch vụ mọc lên như nấm chẳng khác gì một con phố nhỏ của nội thành Hà Nội. Và len lỏi khu “thôn phố” khó khăn lắm mới tìm được vài tiệm còn làm nghề sửa khóa.
Những hộp đồ nghề hiếm hoi còn lại ở làng sửa khóa |
Tạt vào một quán nước ven đường, chúng tôi gặp gỡ một cụ bà 75 tuổi – cụ Quốc, gọi theo tên của chồng - với hy vọng tìm hiểu được một số thông tin về nghề sửa khóa ở thôn Tương Trúc. Nhưng dường như thông tin của một lão làng như vậy giờ chỉ còn lại dăm ba câu nói về nghề truyền thống của làng mình.
“Cái nghề sửa khóa của làng thì từ lúc sinh ra, tôi đã thấy có rồi. Nghề này mọi hôm có giám truyền cho người ngoài đâu, ngay cả con gái trong nhà cũng không được truyền nên tôi không biết sửa”, bà tâm sự
Cụ Quốc cho biết thêm, làng hiện còn rất ít người làm khóa. Chủ yếu là những người trung niên tuổi từ 40 trở lên duy trì nghề, còn thanh niên thì đi học hoặc lên Hà Nội làm việc.
Nói về thời huy hoàng của làng nghề bà chia sẻ trong niềm vui: “Ngày xưa con người nơi đây chỉ biết làm ruộng, rảnh thì nhận sửa khóa. Thủ thuật sửa khóa giỏi đến mức mà người dân trong làng không cần khóa cửa, vì có khóa cửa thì cũng như không. Nhất là thời Pháp thuộc, sau khi nhàn rỗi, đàn ông trong làng đi khắp Hà Nội tìm khách sửa khóa, còn đàn bà thì đi thu mua ve chai, nồi thủng...”.
Theo lời chỉ dẫn của cụ, chúng tôi tìm đến một vài chỗ sửa khóa uy tín. Tiệm sửa khóa ven đường của anh Lâm vắng vẻ không bóng khách, anh cho biết: “Thỉnh thoảng mới có người tới sửa khóa, hay cắt thêm chìa. Nghề cũng thu nhập bấp bênh lắm. Nghề nào cũng có cái khó của nó, hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển có nhiều loại khóa tinh vi, đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao hơn, nên nghề sửa khóa chúng tôi cũng cần nâng cao, tỉ mẩn hơn”.
Nghề tự có thì sẽ tự mất?
Trưởng thôn Tương Trúc – ông Vũ Văn Ngợi - cho biết, nghề sửa khóa ở làng không có ai mở lớp dạy, mà ngày xưa các thanh niên đã phải tự mày mò học của bố, của ông, hay anh em tự dạy cho nhau.
Nghề có từ lúc nào ông cũng không biết, khi sinh ra ông đã thấy có rồi. Mặc dù nghề sửa khóa ở Tương Trúc rất nổi tiếng, nhưng dường như những con người ở thôn quê ngày xưa ấy vẫn cảm thấy đó là một cái nghề bình thường, là nghề tay trái làm mỗi khi trái mùa vụ.
Ông Vũ Văn Ngợi. |
Vì vậy, ngay cả các lão làng trong thôn không biết tổ nghề là ai?. Thậm chí chưa bao giờ họ nghĩ sẽ tổ chức các cuộc thi tìm kiếm người giỏi nhất của nghề. Cứ thế họ sửa khóa như một bản năng sinh tồn.
Theo thống kê từ trưởng thôn Vũ Văn Ngợi thì trong làng còn khoảng 50 người sửa khóa trong tổng số 600 hộ dân. Có vài hộ dân sống ở mặt đường thì mở quán, còn một số người thì lên tận thành phố, ngồi vào các lề đường để hành nghề, thay vì đi dạo tìm khách như ngày xưa.
Nói về sự tài của người thợ sửa khóa làng mình, ông chia sẻ: “Người thợ ở đây họ chưa từ bỏ bất cứ loại khóa nào. Họ sửa được tất cả các loại khóa, chỉ với những đồ nghề đơn giản như búa, kìm, dũa và vài chiếc phôi chìa khóa”.
Thấy chúng tôi dè dặt khi đặt vấn đề, liệu với cái tài sửa khóa ấy có người nào dùng nó để phá khóa trộm tài sản của người khác không, ông trưởng thôn cười lớn tiếng khẳng định: “Chưa bao giờ người thợ ở đây lại làm thế, họ làm vì cái tâm của nghề, với bản chất con người nơi đây khá lương thiện, họ sẽ không sửa khóa cho khách nếu khách mang một vật mềm in hình chìa khóa đến, hay vẽ hình mang đến.
Từ khi tôi sinh ra đến giờ chỉ có một vụ trộm cắp duy nhất là năm ngoái, mà chính là con họ tự cấu kết với người ngoài, vào nhà mình mở khóa két lấy tiền của nhà mình”.
Trở về Hà Nội khi thôn xóm nơi đây đã lên đèn, tôi chỉ mong sao nghề sửa khóa nơi đây sẽ không mai một, bởi đó là nghề của những bàn tay tài hoa.